Chụp cộng hưởng từ (MRI) là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh được sử dụng rộng rãi trong y tế. Hình ảnh được tạo ra bằng cách đặt bệnh nhân vào một từ trường gradient, cung cấp các xung tần số vô tuyến (xung RF) cho bệnh nhân và xử lý các tín hiệu điện từ thu được phát ra từ bộ phận được kiểm tra.
Trong hầu hết các máy MRI (MRI kín hay closed MRI), bệnh nhân được đặt trong một khoang máy dài và hẹp. Khi đó, một số bệnh nhân mắc hội chứng sợ không gian kín (claustrophobia) sẽ không thể thực hiện chụp được MRI một cách bình thường. Điều này có thể được quản lý bằng cách sử dụng thuốc an thần hoặc gây mê, nhưng trong một số trường hợp cũng không thể hoàn thành quá trình chụp. Ngoài ra, có những bệnh nhân béo phì cũng không thể nằm vừa vào khoang máy và cũng không thể chụp được.
Máy MRI kín 1.5T – ECHELON Smart
Khi sử dụng các máy MRI mở (open MRI), bệnh nhân sẽ được đặt vào giữa hai khối nam châm với không gian mở xung quanh, điều này sẽ khắc phục các vấn đề trên. Ngoài ra, các máy MRI mở cũng rất hữu ích trong các can thiệp dưới hướng dẫn bằng hình ảnh, vì thiết kế mở dễ dàng tiếp cận với bệnh nhân.
Máy MRI mở 0.4T – APERTO Lucent
Chất lượng của ảnh chụp thu được từ máy MRI có phụ thuộc vào cường độ từ trường. Cường độ từ trường càng cao thì chất lượng hình ảnh sẽ càng tốt (tỉ số tín trên nhiễu SNR cao, ít xảo ảnh do cử động và độ phân giải cao). Các máy MRI mở có cường độ từ trường thấp (0.2T – 0.5T), trong khi các máy MRI kín có cường độ từ trường cao hơn (thường từ 1.5T trở lên). Vì điểm này nên thời gian chụp ở các máy MRI mở sẽ lâu hơn với các máy MRI đóng, bù lại độ ồn khi chụp hay chi phí đầu tư và vận hành của máy MRI mở đều thấp hơn. Với sự phát triển của công nghệ, thời gian chụp máy MRI mở ngày càng được rút ngắn, đồng thời chất lượng hình ảnh cũng được cải thiện tốt hơn.
Hiện nay, hãng Fujifilm là một trong số ít hãng cung cấp cả hai giải pháp: MRI mở và MRI kín, phù hợp với nhiều đối tượng bệnh nhân, cũng như ngân sách đầu tư của từng bệnh viện/phòng khám.
Nguồn tham khảo: Open magnetic resonance imaging (MRI) scanners. (2006). The Canadian Agency for Drugs and Technologies in Health.